Đã thành thông lệ, vào dịp cuối năm dương lịch, cũng là lúc chuẩn bị kết thúc học kỳ 1, các bộ môn thuộc khoa Lịch sử tổ chức hoạt động thực tập tốt nghiệp cho sinh viên chuyên ngành. Năm nay, điểm đến của sinh viên chuyên ngành Lịch sử văn hóa Việt Nam là 2 bản (cũng chính là 2 xã) Tả Phìn và Tả Van, thuộc huyện Sapa, tỉnh Lào Cai. Thoạt nghe sẽ tưởng 2 bản ở gần nhau, nhưng trên thực tế 2 bản cách nhau gần 20km. Vì thế, đoàn thực tập với 42 sinh viên và 2 giáo viên quyết định tách đôi; 21 sinh viên ở xã Tả Phìn do TS. Nguyễn Ngọc Minh hướng dẫn; 21 sinh viên ở xã Tả Van do TS. Nguyễn Hoài Phương hướng dẫn; thống nhất lịch trình sẽ cắm bản 5 ngày, đến ngày cuối cùng sẽ “hội ngộ” ở Sapa khi đi thăm các di tích lịch sử văn hóa của huyện vùng cao này trước khi trở về Hà Nội.
Được sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương, cả 2 đoàn đều đã bố trí được chỗ ăn, ở khá thuận tiện, là những homestay tiện nghi vừa phải và giá “rất sinh viên”. Sau buổi sáng đầu tiên làm việc với chính quyền xã, sinh viên chia thành các nhóm, mỗi nhóm 3 người khảo sát theo chủ đề đã được phân công. Nhiều sinh viên ở đồng bằng lần đầu tiên trải nghiệm việc leo đồi núi khảo sát từ bản của người Giáy sang bản của người Dao hoặc bản của người Hmông mà quãng đường đều tính bằng vài km trở lên. Sinh viên hiểu được sự đa dạng văn hóa và tinh thần “khoan dung” khi thực sự “ba cùng” với đồng bào các dân tộc tại địa phương, cũng cảm nhận được sự thân thiện, hiếu khách của những người dân bản địa.
Sinh viên được tìm hiểu về lịch sử vùng đất nơi mình đang thực tập, đặc trưng kinh tế, xã hội và những biến đổi trong những năm trở lại đây; thực sự được thưởng thức những bữa ăn (mà gần như bữa nào cũng có rau cải mèo vì loại cây này rất phổ biến và đang vào mùa), các loại bánh hay các món ăn đặc sản của đồng bào; được khảo sát, vẽ sơ đồ, mô tả, so sánh những ngôi nhà của các tộc người khác nhau; được tìm hiểu về các phong tục tập quán từ khi người mẹ mang thai cho đến sinh con, nuôi con, trưởng thành dựng vợ gả chồng cho đến khi già nua và chết… Sinh viên nam đi tìm hiểu phong tục/ quan niệm về sinh nở, về mạch sữa của người mẹ H’mông khi mới sinh con cũng đâu có sao, có gì phải xấu hổ ngại ngùng đâu nhỉ? Mô tả không gian một ngôi nhà truyền thống thì không khó, nhưng cứ đi chụp ảnh các kiểu nhà vệ sinh thì cũng “ngại” ghê hay trải nghiệm tắm lá thuốc của người Dao và cuối cùng say thuốc, mãi mới “lảo đảo” mặc được quần áo thì quả thật khó quên…
Sinh viên có những bài học riêng khi áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã được học khi đi phỏng vấn: rằng không phải cứ ôm quyển sổ đi hỏi hết những câu hỏi đã chuẩn bị trước là sẽ có kết quả mà có khi cuộc phỏng vấn chỉ như một cuộc chuyện trò, có khi vừa giúp bác chủ nhà nhặt rau vừa hỏi; và cũng có lúc phải giả vờ gọi điện cho cô giáo “nghi binh” để tìm cớ rút lui đúng lúc… Tất cả đều là những trải nghiệm mà ở trường không có được. Có lẽ những sinh viên ở Tả Van sẽ không thể quên cảm giác sung sướng khi vượt quãng đường cả đi và về lên tới chục km đi bộ đến để được bản Tả Chải Dao, dù rằng vô cùng mệt nhưng lại gặp được ông thầy cúng mà cấp bậc có lẽ là cao nhất ở đây, lại được khám phá phong cảnh thiên nhiên vô cùng hoang sơ, tươi đẹp. Những sinh viên ở bản Tả Phìn thì khó quên cảm giác khoan khoái khi được ngâm mình trong chậu thuốc tắm của người Dao hay đi thăm những nương thảo quả.
Và cuối cùng, sau 1 tuần hàng ngày cùng ăn cùng ở tập trung, ngày khảo sát theo nhóm, tối về thảo luận để báo cáo với giáo viên, sau báo cáo với cán bộ của xã…, sinh viên học được tính kỷ luật, kỹ năng phân công, chia sẻ và kết hợp khi làm việc nhóm; đồng thời những ngày cùng học cùng chơi bên nhau rộn rã tiếng cười đã gắn kết những tình bạn đẹp; sẽ mãi là những kỷ niệm khó quên để khi trở về ai cũng bâng khuâng nhớ…
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở; Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên).
Tả Phìn, Tả Van, Sapa đã trở thành một phần trong ký ức về thời sinh viên tươi đẹp của những sinh viên K62 chuyên ngành Lịch sử văn hóa Việt Nam.
Một số hình ảnh của đoàn thực tập:

Đoàn thực tập ở xã Tả Phìn với nghệ nhân ưu tú Tẩn Vần Siệu

Đoàn thực tập làm việc với Ông Giàng A Chúng, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Van

Sinh viên khảo sát về cách làm vàng mã của người Dao



Sinh viên khảo sát theo các chủ đề đã được phân công

Những sinh viên đi bộ 6,5km để đến thôn Tả Chải Dao, Tả Van
để phỏng vấn về đời sống văn hóa của tộc người Dao

Sinh viên báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát với giáo viên hướng dẫn

Sinh viên báo cáo kết quả khảo sát với cán bộ xã (Tả Van, Sapa)

Sinh viên lắng nghe những giải đáp, góp ý của cán bộ xã với những câu hỏi, báo cáo thực tập


Sapa mù sương sẽ là những kỷ niệm không quên trong cuộc đời của những sinh viên chúng tôi
TM đoàn thực tập
Nguyễn Hoài Phương (tổng hợp)