
Buổi Giới thiệu Chương trình Đào tạo và Thạc sỹ Quản lý Văn hóa – Ảnh: Vương Anh
Ngày 1-3, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) đã công bố chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý Văn hóa. Chương trình đào tạo thạc sĩ này nhấn mạnh những sự khác biệt để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc quản lý và phát triển văn hóa.
Thực trạng vận động và phát triển của văn hóa trong bối cảnh mới đã đặt ra nhiều yêu cầu về tổ chức, quản lý, xây dựng những chính sách để định hướng phát triển văn hóa theo đường lối đổi mới và hội nhập của Đảng, phòng tránh những lệch lạc, rối loạn trong những hoạt động văn hóa ở các cấp. “Nguồn cung ứng” nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này đang còn chưa đủ.
Trên nền tảng cơ bản của lịch sử văn hóa Việt Nam (là thế mạnh của trường), kết hợp vận dụng các lý thuyết và kinh nghiệm quản lý văn hóa của Việt Nam và các nước trong khu vực và trên thế giới, chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý văn hóa của trường Đại học KHXH & NV được xây dựng với mục tiêu chung là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu, tổ chức, tư vấn, tham mưu và thực thi các vấn đề trong lĩnh vực quản lí văn hóa ở cả ở cấp vĩ mô và cấp vi mô. Các tân Thạc sĩ của ngành không chỉ có năng lực trong quản lý văn hóa mà còn có khả năng tư vấn và thiết kế, xây dựng chính sách quản lý văn hóa trên bình diện quốc gia và địa phương, hội nhập môi trường quốc tế về quản lý văn hóa.
Với phương châm lấy người học làm trung tâm, với đội ngũ giảng viên là các chuyên gia đầu ngành về lịch sử, văn hóa, nhân học, khoa học quản lý, quản lý văn hóa, với hướng phát triển bền vững…, chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý văn hóa mang đến cho học viên những kiến thức khoa học hiện đại một cách hệ thống, những kỹ năng vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống thực tiễn và cả các tình huống có thể phát sinh trong sự phát triển nhanh và mạnh của văn hóa. Trong quá trình học tập, các học viên sẽ được trang bị kiến thức về: Các lĩnh vực quản lý văn hóa – di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể, quản lý lễ hội, quản lý các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, các di sản kiến trúc, di sản Hán Nôm…; Phân tích những thực trạng văn hóa và biến đổi ngày càng sâu rộng của các thành tố văn hóa trong lĩnh vực quản lý – vấn đề truyền thông và văn hóa, vấn đề cộng đồng, văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế…; Đánh giá, định lượng điểm mạnh/yếu, những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực quản lý văn hóa truyền thống và hiện tại; Đề xuất những mô hình, giải pháp quản lý văn hóa một cách hữu hiệu và phù hợp với thực tiễn xã hội… Đây là những vốn kiến thức cơ bản nhưng cũng đủ chuyên sâu, đáp ứng các nhu cầu xã hội về những ngành đào tạo mới có tính thích ứng để “có thể giải quyết những vấn đề thời sự của thời đai” – như GS Nguyễn Quang Ngọc, nguyên Viện trưởng viện Viện Nam học và khoa học phát triển nhấn mạnh khi giới thiệu chương trình.
Các học viên tốt nghiệp được kỳ vọng sẽ có khả năng đảm nhận nhiệm vụ tại các cơ quan, tổ chức làm công tác quản lý văn hóa, các cơ quan, tổ chức có chức năng phân tích, hoạch định, tư vấn chính sách về văn hóa hay tham gia vào các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong và ngoài nước./.
Vương Anh