Hoạt động này được tổ chức nhằm tạo điều kiện để sinh viên ngành Lịch sử có cơ hội áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống thông qua các hoạt động thực hành, thực tế tại những khu di tích lịch sử, địa điểm gắn với cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi nói riêng và các khu vực lân cận nói chung. Đồng thời, giúp sinh viên trau dồi và rèn luyện những kỹ năng mềm phục vụ công việc trong tương lai ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tại buổi tham quan thực tế, sinh viên Khoa Lịch sử của Trường Đại học Xã hội và Nhân văn đã được cán bộ chuyên trách của bảo tàng khái quát về lịch sử hình thành của bảo tàng, giới thiệu về các hiện vật hiện đang được trưng bày tại đây, cũng như hiểu thêm về đặc điểm tình hình xã hội, văn hóa của huyện Trà Bồng xưa và nay… Theo đó, Bảo tàng khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi được xây dựng, tổ chức trưng bày, mở cửa đón khách vào năm 1999, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. Từ đó đến nay Bảo tàng đã thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh về truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng cũng như tầm vóc, ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. Bảo tàng Trà Bồng đã trưng bày khoảng 250 hình ảnh, tư liệu, hiện vật liên quan đến cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. Trong đó, vừa có những hiện vật của hệ thống trưng bày cũ, vừa có nhiều hiện vật được sưu tầm mới, bổ sung. Điều đáng quý trong đợt chỉnh lí này là việc một số cán bộ chiến sĩ thuộc các lực lượng C339, 89, 299 đã trao lại nhiều kỉ vật do chính các chiến sĩ này dùng trong cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi như cuốn nhật kí của một chiến sĩ lực lượng C339, một số dụng cụ y tế cứu chữa thương binh…”./.