• TRANG CHỦ
  • GIỚI THIỆU  
    • Khái quát về Khoa
    • Tổ chức của Khoa
    • Các bộ môn và trung tâm
    • Đội ngũ cán bộ
    • Thư viện hình ảnh
    • Chân dung sử học
  • TIN TỨC  
    • Tin tức Khoa
    • Thông tin sử học
    • Thông tin học bổng
  • ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC  
    • Thông tin đào tạo
    • Thời khóa biểu
    • Chương trình đào tạo
    • Đề cương môn học
    • Thủ tục biểu mẫu
    • Danh sách sinh viên các khóa
  • ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC  
    • Thông tin đào tạo
    • Chương trình đào tạo
    • Đề cương môn học
    • Thủ tục biểu mẫu
    • Danh sách NCS & HVCH
  • NGHIÊN CỨU KHOA HỌC  
    • Giới thiệu sách
    • BÀI NGHIÊN CỨU
    • Nghiên cứu khoa học
  • THƯ VIỆN
Chân dung sử học

Một vài kỉ niệm về Thầy Giàu – Bài viết của GS Trần Quốc Vượng

29/10/2016

Thầy Giàu của tôi là một kho tàng huyền thoại với các văn nghệ sĩ. Có một hôm, một người viết văn bảo tôi: Giai thoại văn nghệ sĩ “bão hòa” rồi. Tiếc rằng không có giai thoại về các nhà khoa học! Tôi cười bảo: Thiếu gì! và tôi kể “một lô, một lốc” giai thoại về “cụ” Giàu, về “cụ” Mai (Đặng Thai), về “cụ” Thảo (Trần Thảo), về “cụ” Đào (Duy Anh), về “cụ” Tường (Nguyễn Mạnh), về “cụ” Huy (Cao Xuân)… Toàn những bậc lớn trực tiếp dạy dỗ tôi ở Đại học cả. GS.TS. Tô nghe “Sướng cái lỗ tai” quá, bảo tôi: Thầy viết ra đi, tôi chịu trách nhiệm xuất bản, không lo! (Ông Tô là Tổng thư kí kiêm Bí thư Đảng đoàn Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nên ông có quyền, có tiền và không sợ “mất lập trường” như tôi). Tôi biết khá nhiều, nhưng chỉ “xuất bản bằng mồm”…

Nhưng năm nay (2001), kỷ niệm 90 năm ngày sinh của thầy Giàu tôi, cũng là để kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Khoa Sử mà Thầy tôi là một trong những người sáng lập nên tôi gắng viết vài dòng này để gọi là “đền ơn Thầy cho muôn một”. Tôi không phải học trò thật “ruột” của Thầy. Người ấy phải là GS. Đinh Xuân Lâm và có thể sau đó, ông Nguyễn Đức Sự, ông Đặng Huy Vận những người đó đã kí tên đồng tác giả với Thầy ở nhiều cuốn sách về lịch sử cận hiện đại Việt Nam, một thời được dùng làm giáo trình Đại học ở Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tôi võ vẽ biết chút ít tử vi, định mon men hỏi giờ – ngày – tháng năm sinh của Thầy để lập Bản suy đoán về số phận “lên bổng xuống trầm” của Thầy (Người nào có thực tài mà không nổi chìm ở thời buổi “đầy âu lo và biến động” của Việt Nam, của thế giới ở thế kỷ XX? Từ đầu thập kỷ 90, cụ Thanh Hoằng Khê Lê Xuân Hòa đã “kính bút” tặng tôi bức thư họa trích một câu thơ của Tam Nguyên Vị Xuyên Trần Bích San mà tôi rất thích, luôn luôn treo trong khung kính trước bàn làm việc:

Nhân bất phong sương vị lão tài

(Tạm dịch: Người chưa trải gió sương sao có thực tài)

Nhưng, vốn bản tính lạc quan và ham chơi, tôi cũng treo trong phòng làm việc một bức thư họa của Phan Cẩm Thượng viết tặng tôi một câu thơ của Bác Hồ mà tôi cũng vô cùng thích thú:

Tố sự thung dung nhật nguyệt trường

(Tạm dịch: Làm việc ung dung dài năm tháng)

Có lẽ Thầy Giàu tôi là thế: trải bao sương gió cuộc đời, Thầy tôi vẫn thong dong làm việc.

Đến nay đã vào tuổi thượng lão mà Thầy vẫn còn muốn viết khái quát một cuốn sách Trầm – Thăng của sự nghiệp chống thực dân của Việt Nam. Chất Mácxít cách mạng – nhiều khi tôi cho là “thái quá” của Thầy Giàu tôi hình như đã “ăn” vào máu thịt của Thầy.

Năm 2000, Khoa Sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Tổng hợp cũ) được phong Đơn vị Anh hùng. Chúng tôi muốn mời Thầy Giàu từ Sài Gòn ra Hà Nội tham dự lễ đón nhận danh hiệu vinh quang đó. Chúng tôi cũng nghe tin và đinh ninh Thầy Giàu tôi cũng được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động như GS. Vũ Khiêu lão thành, nguyên là cán bộ cấp dưới cấp Khu) của Thầy tôi thời kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp.

Thầy Giàu đã yếu. Cô – người mà chúng tôi kính trọng và lúc nào cũng hiền từ và xởi lởi khi chúng tôi thi thoảng tới nhà kính thăm thầy cô – còn mệt nặng hơn nhiều. Thế mà vẫn ra Hà Nội, vào Khoa Sử cùng chia vui cùng chúng tôi.

Không nén được cảm xúc, tôi đã hô vang ba lần: HOAN HÔ GIÁO SƯ TRẦN VĂN GIÀU! Và cả hội trường hàng ngàn người đã cùng tôi rầm rộ hô vang.

Sau lễ mừng, thầy Giàu mời một số học trò đã cao tuổi chúng tôi ngày mai tới một khách sạn lớn của Thủ đô để Thầy chiêu đãi. Tôi gượng phản đối “Thầy ra với chúng em là quý lắm rồi”. Mai Thầy cho phép chúng em “chiêu đãi” Thầy. Thầy quả quyết “Mai tôi chiêu đãi các chú!”. Và Thầy rút phắt trong túi áo veston ra một tệp tiền xanh dằn giọng: “Tôi có tiền đây, khá nhiều đấy!”. TS. Phan Xuân Biên hích nhẹ cùi chỏ vào sườn tôi với một cái nhìn như nhắc nhủ: “Phải theo ý Thầy!”. Tôi đổi giọng ngay: “Ôi! Thầy Giàu vẫn giàu. Chúng em rất sướng vui được Thầy cho ăn uống ạ!”. Và Thầy dịu giọng, mặt mày dãn nở, cười vui: “Thầy không Giàu nhưng cũng Khá”. (Ở miền Nam có một ông tên là Trần Văn Khá, một ông khác – không cùng chí hướng với Thầy tôi, có tên là Trần Văn Lắm. Những cái tên đó rất chi là “Nam Bộ”).

Sáng hôm sau, đúng 9 giờ như đã hẹn vài chục anh em chúng tôi lục tục kéo đến khách sạn ASEAN. Vừa trò chuyện vừa chờ Thầy. Mãi chẳng thấy xe Thầy đến. Phải chừng hơn một giờ sau, các Tiến sĩ học trò Phan Xuân Biên, Nguyễn Văn Lịch (cũng là học trò cũ của tôi) – ở Khoa Sử chúng tôi có đến hơn “ngũ đại đồng đường” làm thầy, cô giáo – mới dìu Thầy Giàu tới. Chụp ảnh lia lịa.

Sau chúng tôi im lặng nghe Thầy Giàu nói:

  • Tôi ra Hà Nội chuyến này có lẽ là lần cuối (tôi nghĩ bụng: chưa đâu Thầy ạ!). Tôi ra đây có hai việc: Hôm qua mừng Khoa Sử Anh Hùng và mừng cô chú đã trưởng thành “nên ông nên bà” cả rồi. Hôm nay, tôi đi “lạy” ông Bác Hồ. Ông nghẹn lời, rơm rớm nước mắt. Tôi và rất nhiều các bạn đồng môn – đồng nghiệp cúi đầu chảy nước mắt theo. Từ bé tôi vốn là con cháu út của một gia đình “hay mau nước mắt”. Hôm một nghiên cứu sinh của tôi ở Viện Sử bảo vệ luận văn Tiến sĩ đạt loại xuất sắc, bà mẹ cô ấy, quả phụ của một nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản lên khóc và nói: Gia đình tôi lần đầu tiên có một Tiến sĩ, tiếc rằng không còn bố cháu để biết đến hôm nay… Tôi không phải Đảng viên mà nước mắt chảy ròng ròng.

Lại nói tiếp về Thầy Giàu, Thầy bảo hôm nay lăng Bác không mở cửa tôi quỳ lạy ở bên ngoài… Trong đời tôi, tôi chỉ có hai người thầy đích thực một người hữu danh là Bác Hồ, một người vô danh là Lịch sử. Còn tôi và các cô chú Giáo sư ở đây như thằng Vượng kia chẳng hạn (lần đầu tiên thầy Giàu gọi tôi là thằng, ba bốn lượt, một cách âu yếm và thân mật) nghe nói nó dạy cũng hay được học trò khen lắm, nhưng chúng ta chỉ là người giảng bài, nói chuyện, không phải là THẦY (viết hoa).

Tôi và vài học trò cao tuổi táo tợn trả lời cụ Giàu:

  • Thầy nói thế là một chuyện, chúng em rất quý trọng ý tưởng độc đáo của Thầy, nhưng chúng em xin phép cứ gọi cụ là THẦY (viết hoa).

Thật ra, hoàn toàn độc lập với Thầy Giàu, Thầy ở Sài Gòn, tôi ở Hà Nội, không trao đổi ý kiến gì với nhau, trong một bài viết ở buổi giao thừa hai thiên niên kỷ, tôi đã viết rằng: ở trên đời này, tôi chỉ kính trọng vô điều kiện hai người là:

  • NHÂN DÂN
  • BÁC HỒ

Và tôi vô cùng cám ơn Báo Quân Đội Nhân dân đã dám in ra trên giấy trắng mực đen cái ý tưởng đó của tôi, học trò cũ của Thầy Giàu, “cha nào con nấy”, “nồi nào vung ấy” như dân gian nhân loại nói.

Thầy trò chúng tôi đã bình tĩnh lại và vui vẻ lại (liên hoan chiêu đãi thì phải vui vẻ chứ, cứ khóc mãi ăn nói nghiêm chỉnh mãi à?). Tôi tò mò kiểu thầy bói “moi móc” Thầy:

  • Thưa, Thầy sinh năm Tân Hợi 1911, cùng tuổi với ông Lê Đức Thọ ạ?
  • Ừ, hình như cũng cùng tuổi với Võ Nguyên Giáp nữa…
  • Dạ không, em biết chắc chắn ngày tháng năm sinh ông Giáp cũng như “cụ” Phạm Văn Đồng không phải như những lý lịch Ban Tổ chức Trung ương lưu giữ đâu! Thế ngày tháng sinh của Thầy là bao giờ ạ?

Đến lúc ấy, sau hơn bốn chục năm quen biết và quyến luyến nhau Thầy Giàu mới “bật mí”:

Có biết đâu! Mà cái tên tôi (Giàu) cũng có phải do bố mẹ đặt đâu. Tôi quê Long An, ba tôi là Hương Cả, nhà Giàu, sinh tôi ít lâu, một hôm ba tôi ra đường gặp ông Hương Bộ, chào hỏi nhau xong, ba tôi bảo:

  • Nè, “nhà tau” mới sinh đứa con trai, mi ghi nó vào “sổ bộ” nghe!

Nói rồi ổng đi. Ông Hương Bộ về giở sổ bộ ghi ngày hôm đó là ngày sinh của tôi, còn cái tên ông nghĩ tôi con nhà Giàu nên tự tiện ghi vào sổ bộ tên Trần Văn Giàu.

Mọi người ngạc nhiên, cười vui vẻ…

Tôi nghĩ năm nay 2001 cả hai ông Chủ tịch danh dự Hội Sử học Việt Nam – Võ Nguyên Giáp và Trần Văn Giàu – đều được nhiều Hội đoàn, bạn bè và học trò tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 90 thì cũng là điều thú vị thôi.

“Quy ước” và “Tình cảm” xã hội ấy mà!

Tôi nghe tiếng ông Trần Văn Giàu từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, lúc tôi là một “thiếu niên tiền phong”, lúc ấy ông là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Nào là ông học Đại học Phương Đông ở Mạc Tư Khoa cùng lớp “đào tạo lãnh đạo” với những ông B. Tito (Nam Tư), ông M. Thorez (lãnh tụ Đảng Cộng Sản Pháp), mà còn học giỏi hơn những ông này…

Năm 1950, ở nhà tôi có quyển sách in litô của ông Trần Văn Giàu nhan đề Đảng Cộng Sản, Đảng của Trí tuệ, của Nghị lực của Vinh dự Việt Nam (chắc do bố tôi lúc đó đã là Đảng viên Đảng Cộng Sản Đông Dương mang về) với lời đề tựa của ông Chủ nhiệm Báo Cứu quốc Liên Khu Ba – hình như tên là Nguyễn Tuấn và câu đầu: “Khắp Đông Nam Châu Á ai cũng biết anh Trần Văn Giàu và đều rõ anh là người Cộng Sản…”. Cuốn sách sau đó hình như bị phê bình vì lúc ấy Đảng Cộng sản Đông Dương đang rút vào bí mật, tuy từ tháng 11-1945 ông Trần Huy Liệu – mà sau này tôi rất gần gũi và luôn luôn gọi bằng Thầy – đã thay mặt Đảng Cộng Sản Đông Dương tuyên bố ở Nhà Hát Lớn Hà Nội là Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán để hòa vào khối Đại Đoàn kết toàn dân (chắc là một chiến thuật khéo léo của Bác Hồ và Trung ương Đảng, nhưng vẫn có một “Hội Những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Việt Nam” do ông Trường Chinh làm Chủ tịch. Tôi là Hội viên Hội đó từ năm 1950 khi vừa tròn 16 tuổi. Các anh chị tôi thì vào Hội trước cả rồi và sau này đều là Đảng Cộng sản).

Năm 1951 tôi mới được nhìn thấy mặt – từ xa xa thôi – nhà hùng biện Trần Văn Giàu khi ông được mời đến diễn thuyết ở trường Trung học Lam Sơn nổi tiếng (trước là trường Đào Duy Từ) ở Thanh Hóa. Lúc bấy giờ hình như ông đã thôi chức Tổng Giám đốc Nha Thông tin Quốc gia (để nhường chỗ cho ông Tố Hữu) và được cử về xứ Thanh làm công tác Trí thức vận gì gì đó (lúc ấy tôi còn là học sinh Lam Sơn lớp 8, làm sao biết được. Cái này phải hỏi Thầy anh Vũ Xuân Ba, khi ấy là Bí thư Chi bộ trường Lam Sơn).

Thầy trò bọn tôi nghe say sưa lắm và thầy Hiệu trưởng là Đoàn Nồng (thân phụ Giáo sư Toán học Đoàn Quỳnh, bạn thân cùng lớp với tôi) và là người cứ vào dịp “nghỉ mùa” (trong kháng chiến chống Pháp không có nghỉ hè, mà có hai vụ nghỉ mùa khi lúa chín ngoài đồng) lại tập họp lũ học trò “thất nghiệp” (chúng tôi là dân Hà Nội, Huế đi tản cư đến xứ Thanh, học nhờ trường Thanh, không được là con cái nông dân về giúp bố mẹ gặt mùa) vào một điếm đầu làng Thành Tín (Thọ Xuân, Thanh Hóa) để dạy thêm tiếng Pháp. Còn về Toán thì đã có “bác” kỹ sư Thứ trưởng Bộ Giao thông Công chính Đặng Phúc Thông, thân phụ GS.TS. Đặng Xuân Hoài cũng là bạn cùng lớp chúng tôi dạy.

(Lúc này, từ niên khóa 50-51, giáo dục Việt Nam đã chuyển hệ sang mô hình Xô Viết “trường phổ thông 9 năm – 3 cấp” và Bộ đã ra lệnh bãi bỏ việc bỏ tiếng Pháp và tiếng Anh mà tôi đã được học từ khi còn bé đến giữa năm 1950). Nhiều thầy Anh – Pháp văn của chúng tôi khi đó đã thất nghiệp và phần lớn “dinh tê” (bỏ vào vùng tạm chiếm hoặc đi nước ngoài).

Không hiểu sao thầy hiệu trưởng Đoàn cùng là người ngoài Đảng như tôi, nhưng rất mê ông Trần Văn Giàu cộng sản và mời ông năng về trò chuyện, dạy thầy trò chúng tôi. Ông Trần vui vẻ nhận lời nhưng có cái gì đó cứ cản trở ông, ông bận biên soạn và in ấn vài số tạp chí “Trí thức kháng chiến” in ở Thanh Hóa mà “Anh Ba” của tôi thường có. Tôi ở cùng nhà, như em nuôi của anh Ba và ăn ở cùng các em anh. Anh bận việc dạy, việc Đảng thường hay vắng ở nhà trọ (người xứ Thanh khi ấy không lấy tiền thuê trọ mà thường là nhường nhà trên cho chúng tôi ăn, học, dạy).

Lúc đó chưa có kinh tế thị trường và ai cũng vâng theo lệnh của Bác Hồ: “Tất cả cho tiền tuyến – Tất cả để chiến thắng“, “Kháng chiến hóa Văn hóa – Văn hóa hóa Kháng chiến!” (Những khẩu hiệu tươi đẹp làm sao và chỉ sợ “một đi không trở lại”!).

Chắc là sau một thời gian chuẩn bị, GS. Trần Văn Giàu đã cho ra mắt xứ Thanh một trường Dự bị Đại học và tiếp theo là “Sư phạm Cao cấp” với một ban Giám đốc năm người, toàn những tên tuổi lẫy lừng: Đặng Thai Mai, (trước đó GS. Đặng cùng GS. Cao Xuân Huy từ năm 1949 đã mở lớp Đại học Văn khoa đâu được một năm và có vài chục sinh viên như Tôn Gia Ngân, Nguyễn Tài Cẩn, Vũ Xuân Ba, Nguyễn Đức Nam, Đặng Thị Hạnh, Hoàng Như Hoa… (Trí nhớ tôi đã cùn, chỉ nhớ được có vậy, mong các vị mà tôi quên tên niệm lượng thứ), Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Văn Giàu (kiêm Bí thư Đảng ủy) (và một vị nữa tôi quên mất tên, hình như là Khu ủy viên Khu Ba, Đặng Xuân Thiều vào xứ Thanh nghỉ dưỡng bệnh mà thầy Giàu giới thiệu với lũ sinh viên chúng tôi là “chính ủy” nhà trường). Các Giáo sư thì cũng có khá nhiều tên tuổi, bên Văn khoa là Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Trương Tửu… bên Tự nhiên là Hồ Đắc Liên, Phó Đức Tố…

Gọi là ban Giám đốc năm người nhưng người gần như tổ chức và quyết đoán mọi việc là thầy Giàu.

Sau “lớp 9 bổ túc” mà Bộ bắt chúng tôi phải đi học và tự học, tôi hay lẻn đi bộ dăm bẩy cây số đến Cầu Kè và đình Dân Tài để “dự thính” ban đêm (kháng chiến học đêm với những cây đèn tỏ mờ như đom đóm). Cũng có Thầy – hình như là Thầy Trương Tửu – đêm giảng bài “Thăm lúa” của Trần Hữu Thung, giải nhất bài thơ “Hòa bình thế giới” – đã phát hiện ra có “kẻ lạ” đến nghe trộm khi tôi ngồi lọt thỏm giữa chị Đặng Thanh Lê và các anh Nguyễn Đình Chú, Lê Đức Nam… là các bậc “đàn anh, đàn chị” của tôi. Nhưng Thầy cũng chỉ nói phớt qua khi tôi “xấu hổ” cúi gằm mặt xuống. Thì ngày xửa ngày xưa, lúc thầy Tử Lộ còn là đứa học trò chăn lợn còn đứng lẻn nghe học trộm nữa là tôi!

Nhưng đến năm 1953, khi thầy Giàu quyết định mở lớp Dự bị Đại học khóa 2 thì tôi lại đăng ký vào học Ban Toán Lý. (Thực ra, với sách Toán bằng tiếng Pháp bố tôi gửi từ vùng tạm chiếm Hà Nội ra – cùng cái kính cận thị rất “oách” – tôi cùng Đặng Xuân Hoài, Đoàn Quỳnh… với sự giúp đỡ của các thầy/anh Doãn Châu Long, Trịnh Ngọc Thái, sau khi cụ kỹ sư Đặng Phúc Thông qua đời vì bệnh lao phổi (Lúc ấy, có chỉ thị cho chúng tôi chỉ gọi các thầy giáo trẻ bằng “anh”. Kỳ lạ thật!), chúng tôi đã học gần hết chương trình Toán Đại cương (Mát-giê-nê = mathémathique générale). Thầy Nguyễn Trác (GS. Nguyễn Trác sau này của Đại học Sư phạm Hà Nội) bảo tôi: Vượng giỏi Văn Sử, học Văn Sử mới khó và phải có “khiếu” chứ ai học Toán Lý mà chẳng được. Em nên nghĩ lại. Nhưng tôi – dù yêu anh Trác – anh Trác dạy Văn, giảng Văn hay lắm – nhưng tôi không thay đổi ý kiến. Nhưng rồi… “ngẫm hay muôn sự tại Trời“.

Trời hay là “Người lãnh đạo “được” thăng hoa” thì cũng vậy.

Thuở ấy, đã bắt đầu có cái lệ là cán bộ cao cấp có quyền gửi một con đi học nước ngoài.

Bố tôi lúc ấy đã là cán bộ cấp Liên Khu, được đi chỉnh huấn ở Trung ương, được Bác Hồ dạy bảo về chính trị. Tôi học ở Lam Sơn vào loại Giỏi, khá nổi, lại còn hoạt động Hiệu đoàn và Thanh niên Cứu quốc. Nhiều bằng khen, giấy khen lắm, tuy bị dè bỉu luôn vì cái tính Kiêu Ngạo và Bướng Bỉnh, Lãng Mạn nữa (Yêu đương kiểu “học trò” ấy mà, trai gái cầm tay nhau là cùng chứ làm gì có chuyện “này kia kia nọ” như ngày sau). Mọi bằng khen tôi đều gửi ra Khu Ba cho bố mẹ.

Từ Khu Ba, bố tôi (tôi gọi bố, mẹ là “cậu, mợ” – kiểu thành thị thực dân) điện vào Khu Bốn cho tôi: “Con ra ngay cây số 12 Nho Quan, đồn điền Phạm Lê Bổng gặp cậu rồi đi học xa” (tức đi học nước ngoài).

Vài bạn tôi (như Phan Kế Hoành, đã quá cố năm 1922) cũng có loại giấy tờ đó nhưng giấu biệt vì thích học Văn khoa với thầy Giàu, thầy Huy, thầy Tường…

Tôi “ngu lâu đần dai” chìa tờ điện ra và nói với bè bạn: “Tại sao không cử TÔI, cá nhân tôi, là học sinh giỏi, cán bộ tốt, đi học nước ngoài mà cử con của bố tôi?, Tôi không đi đâu!”. Sự việc này đến tai ông trợ lý chính trị Đào Văn Nhâm của Thầy Giàu.

Một sáng mùa thu đẹp trời với mọi người của năm Quý Tỵ 1953, nhưng là một sáng thu u ám của tôi, ông Nhâm vào lớp tôi, tọa lạc ở một căn nhà tranh 5 gian của một trung nông khá xứ Thanh, (sau bị “đề bạt” là địa chủ trong Cải cách ruộng đất) mà Thầy tôi, Giáo sư hai bằng Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường vẫn trịnh trọng gọi đó là Đại giảng đường Đại học (kháng chiến). Ông Nhâm trịnh trọng bảo: “Sau giờ học, đề nghị “đồng chí” (ngày xưa ấy, hai tiếng “đồng chí” có ý nghĩa thiêng liêng lắm) Trần Quốc Vượng lên gặp ban Giám đốc!”.

Chả biết bây giờ, các bạn sinh viên trẻ có sợ Giáo sư Hiệu trưởng và Giáo sư Giám đốc không, nhưng ngày ấy và mãi sau này nữa, tuy được sống dưới chế độ Dân chủ Cộng hòa, nhưng mà tôi vẫn “sợ” Giám đốc lắm. Vì Thầy Giàu của tôi cũng như Giám đốc Đặng Thai Mai rất tốt nhưng các vị rất độc đoán và gia trưởng cũng như GS. Đào Duy Anh – người thủ trưởng một thời của tôi, rất tốt nhưng Ông rất là gia trưởng. Gần như Ông không muốn cho chúng tôi cãi lại các ông bất cứ một điều gì!

Sau giờ học, tôi đi bộ ba cây số dọc bờ đê sông Chu đến Văn phòng Giám đốc – ở một mái nhà tranh ba gian khá đẹp bên bờ nông giang sát cạnh Cầu Kè.

Bác Nguyễn Khánh Đàm – anh trai (ruột) của nhà văn Nguyễn Tuân, người đã từng mở nhà xuất bản ở Sài Gòn thời Tây thuộc địa, trịnh trọng mà không kém vẻ trìu mến chỉ tôi sang phòng Giám đốc. Chỉ có một mình thầy Giàu.

Tôi đứng nghiêm – vì chẳng được Thầy chỉ ghế bảo ngồi – và Thầy luôn nói:

– “Chú” khá đấy, không muốn ỷ thế bố chứ gì? Vậy tôi điều “chú” sang Văn khoa, phụ trách Thường vụ Hiệu đoàn kiêm phụ trách cả ba môn Văn – Sử – Địa. Còn chú vẫn muốn học Toán thì ra khỏi trường tôi, đi Trung Quốc học ở Khu học xá với GS. Lê Văn Thiêm chẳng hạn. Tôi không muốn cạnh tranh gì với anh Thiêm, anh Kom Tum cả…

Tôi không cãi nửa lời, ra về, lại đi trên vài cây số đê, nhìn Trời, nhìn Nước, bụng thì đói mà lòng nặng trĩu. Và lòng “tự ái” tuổi trẻ bùng lên: Cóc cần, học gì cũng xong. Và tôi sang học Văn khoa, làm cán bộ Thường vụ Hiệu đoàn, phụ trách chung và đặc trách Văn nghệ. Quý Tỵ – Giáp Ngọ là năm chuyển hướng của cuộc Đời Tôi.

Giã từ với Toán – Lý quen dần với Văn – Sử – Địa mà từ hồi học phổ thông tôi cũng chẳng kém cạnh gì!

Bài học “khai tâm” đầu tiên cho mọi sinh viên Văn khoa và Khoa học do Giáo sư Giám đốc Trần Văn Giàu phụ trách.

Tôi còn nhớ như in hình ảnh Ông mặc áo bà ba lụa màu nâu đã sờn do Bác Hồ tặng Ông từ khoảng đầu 1947-1948, Ông còn mặc bộ áo ngày càng tươm tả này suốt ba năm 1952-1953 ở Đại học, trước khi vào Giải phóng Thủ đô 10-10-1954. Thi thoảng Ông còn ngồi lên bàn dạy chứ không chỉ ngồi ghế.

Bài giảng khai Khoa (Tây gọi là Lecon inaugurale) của Thầy Giàu cho khoảng gần 100 sinh viên chúng tôi ở Đình Ngò (Ngô Xá – Thiệu Hóa – Thanh Hóa) chỉ vẻn vẹn có thế này, do Thầy tự tay dùng phấn trắng viết trên bảng đen:

ĐẠI HỌC = TỰ HỌC

Cao Xuân Hạo, Văn Tâm, Vũ Đình Cự, Phan Huy Lê,… và các bạn đồng môn khác của tôi nghĩ thế nào tôi không biết. Nhưng tôi thực sự ngỡ ngàng…

Bởi tôi nghĩ, sau phổ thông 10 năm đến trường này, mang danh nghĩa sinh viên thay học sinh, tôi những tưởng kiếm được thêm “dăm ba chữ của THÁNH HIỀN” – giờ là của Mác – Lênin.

Ai dè… TỰ HỌC thì ở đâu và từ lâu rồi cũng đã quen.

Sau này tôi mới hiểu cái thâm thúy của phương pháp dạy và học Đại học Trần Văn Giàu (Ông vốn là sinh viên Đại học Toulouse của nước Pháp rồi Đại học Phương Đông của nước Nga Xô Viết). Và sau này chỉ thị đầu năm học của Bộ trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu thì viết mềm mại hơn: “Biến quá trình đào tạo của thầy cô giáo thành quá trình tự đào tạo của sinh viên“.

Phương châm chiến lược Đại học ấy là tuyệt vời đúng; chỉ tiếc rằng sau này nhiều thầy cô giáo, nhiều sinh viên đã không thực hiện được. Bây giờ rất nhiều sinh viên khá bị động trong quá trình lấy bằng cử nhân. Và trình độ ngoại ngữ của sinh viên thì thật là đáng lo ngại. Phần lớn họ chỉ sử dụng sách, báo tiếng Việt hay dịch ra tiếng Việt. Thế hệ tôi tuổi mười tám, đôi mươi bước chân vào Dự bị Đại học và Đại học là đã phải biết ít nhất hai ngoại ngữ rồi. Chưa kể trong khi học Đại học, phải học tiếng Nga, tiếng Trung hay một thứ tiếng nào khác của phe Xã hội chủ nghĩa.

Thầy Giàu và các vị lãnh đạo khác của Đại học Văn khoa (Triết – Văn – Sử – Địa) còn bắt chúng tôi phải học chữ Hán cổ và một số vấn đề Khoa học Tự nhiên đại cương là để rèn dũa tư duy logic Toán nữa cơ…

Ở Dự bị Đại học, Thầy Giàu dạy Triết học Mác – Lênin. Viết xong từng bài, sinh viên in litho rồi chia cho nhau học. Về Hà Nội, 1955, Thầy Giàu sửa sang lại rồi cho in máy ở nhà xuất bản Xây dựng. Thầy Chiêm Tế, trợ giảng thì thuyết trình phần “Kinh tế chính trị học”. Chúng tôi đã có cuốn Chống Đuyrinh của F. Enghen bằng tiếng Pháp, thì đọc từng chương rồi chia nhau thuyết trình. Cái gì không biết thì hỏi Thầy.

Ở Đại học, Học bao giờ cũng đi với Hỏi. Và sau này, chúng tôi còn nhận được cái phương châm 4 H Bác Hồ dạy khai mạc trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc 1948 ở Việt Bắc:

HỌC – HỎI – HIỂU – HÀNH

(Sau này tôi biết trong sách Đại học, tương truyền của Thầy Tăng Sâm có câu: “Bác học, quảng vấn, thận tư, đốc hành” (học rộng, hỏi nhiều, suy nghĩ thận trọng, dốc sức làm).

Thầy Giàu đi Việt Bắc họp với Trung ương, một tháng mới về. Ở nhà Thầy Đào Duy Anh dạy chủ yếu về Cổ sử Việt Nam. Lúc này Thầy đang bị lao phổi. Thầy Đào dạy đâu được vài buổi; Thầy Giàu đã tế nhị gọi tôi lên trước khi đi, bảo: Tôi đã bàn với anh Đào rồi. Hàng tuần, chú chịu khó đến nhà anh Đào (xa dăm cây số), nghe anh Đào giảng, ghi chép, học hỏi cho cẩn thận rồi về thuyết trình lại cho anh em.

Sau năm 1956 tôi chính thức làm tập sự trợ lý cho GS. Đào. Vẫn vậy, Giáo sư đau họng, giãn phế quản, nằm bệnh viện, viết sách. Hàng tuần tôi nhận giáo án của Thầy Đào, và “lên lớp” thay (phải nói rõ là “thuyết trình theo giáo án của GS. Đào”, sinh viên thời ấy toàn “người lớn” kể cả con Thầy, anh Đào Thế Hùng, rồi anh Từ Chi…).

Hè 56, tất cả Giáo sư Văn khoa đi thăm Liên Xô – Trung Quốc một tháng. Thầy Giàu gọi tôi và anh Đinh Xuân Lâm lên bảo mỗi một câu:

Chúng tôi đi vắng, các anh ở nhà liệu mà tự học, tự học hay mời ai về nói chuyện, tùy. Nhưng không được bỏ lớp.

Hai anh em tôi bàn nhau, rồi mời các nhà cách mạng (Trần Huy Liệu, Dương Bạch Mai…), các chiến tướng (Trần Văn Quang, Lê Quang Đạo, Song Hào…) đến giảng về lịch sử Cách mạng và Kháng chiến thay Thầy Giàu.

Ngày ấy khác bây giờ, nói đến “dạy Đại học Văn khoa”, các vị ấy ngần ngại lắm và do bọn tôi kỳ kèo, níu kéo mãi các vị ấy mới nhận đến nói chuyện (cũng có vị chịu viết giáo án, gạch đầu dòng ít câu, còn phần lớn “nói vo”). Cụ Dương Bạch Mai, bạn thân cụ Giàu hăng hái nhận lời nhất và nhất định không chịu đi ôtô, “cụ” cuốc bộ từ trụ sở Hội Hữu nghị Việt Xô đường Tràng Thi đến giảng đường Đại học Việt Nam, số 19 Lê Thánh Tông nói say sưa về tình thế Cách mạng và Kháng chiến Nam Bộ.

 Sau này nghĩ lại, tôi thấy thế hệ chúng tôi có nhiều “không may” nhỏ và “rất may” lớn là đã được tiếp xúc, học hỏi những “nhân vật lớn” của Cách mạng và Kháng chiến Việt Nam. Thầy Giàu, Thầy Liệu đúng là những ngọn cờ đầu của nền Sử học hiện đại Việt Nam cách mạng!

GS Trần Quốc Vượng – Trích trong “55 năm ấy”. NXB Thế giới.2011.

    BÀI VIẾT LIÊN QUAN
  • Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn – Tấm gương khoa học, sư phạm mẫu mực, một nhân cách đáng kính trọng

  • Một chuyên gia về khoa học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Hồ Chí Minh học

  • GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc được tặng Danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020.

  • Đức nghiệp một người thầy: PGS.TS, NGND Hán Văn Khẩn

  • Nhà khoa học say mê gốm cổ                    

  • Một Người Thầy lớn đã đi xa                               

  • Vĩnh biệt thầy Nguyễn Văn Hồng – kẻ sĩ cốt cách, một đời tài hoa

  • Phó Giáo sư Nguyễn Thừa Hỷ đoạt giải thưởng Bùi Xuân Phái

 
 
 
  
  • Lẽ kỉ niệm 60 năm
  • Hoạt động Đoàn - Hội
  • Cựu sinh viên


TIN BÀI MỚI
  • HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN KHOA LỊCH SỬ NĂM HỌC 2021-2022
  • Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội: Tuyển thẳng cao học và cấp học bổng nghiên cứu sinh
  • TUYỂN SINH SAU ĐẠI HỌC ĐỢT 1 NĂM 2022 (NGÀNH LỊCH SỬ)
  • Về việc dạy – học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Thực tập tốt nghiệp của chuyên ngành Lịch sử văn hóa Việt Nam và Lịch sử Việt Nam tại Hà Giang
  • Khoa Lịch sử thông báo xét học bổng Lê Văn Hưu năm 2021
  • Thông báo giải thưởng sử học Đinh Xuân Lâm năm 2021
  • Khoa Lịch sử công bố kết quả trúng tuyển đại học chính quy theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021
  • Học sử góp phần vun trồng trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc
  • Khoa Lịch sử tuyển sinh Thạc sĩ đợt 2 năm 2021 CHUYÊN NGÀNH QUẢN LÝ VĂN HÓA

CHUYÊN MỤC CHÍNH:

  • Tin tức Khoa
  • Giới thiệu sách
  • Thông tin sử học
  • Bài nghiên cứu
  • Học bổng
  • Thư viện
  • Nghiên cứu KH
  • Chân dung sử học

KHOA LỊCH SỬ

  • Địa chỉ: Tầng 3 nhà B Trường ĐHKHXH&NV
                       Số 336 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội
  • Điện thoại: 04.35589847 / 04.38585284
  • Email: khoalichsuhanoi@gmail.com
  • Website: http://khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn/

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người Online : 0

Tổng lượt truy câp :