Ngày 17/5/2020, cùng sự hướng dẫn của hai giảng viên là TS Nguyễn Hồng Kiên và PGS.TS Đặng Hồng Sơn, lớp Thạc sĩ Quản lý Văn hóa của Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện hoạt động điều tra khảo sát hai di tích kiến trúc cổ truyền Việt Nam: chùa Bối Khê tại xã Tam Hưng huyện Thanh Oai và phiên bản phục dựng tháp Po Klong Garai tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đoàn chụp ảnh tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam
Hoạt động điều tra này là một nội dung giảng dạy quan trọng của chuyên đề Quản lý di sản kiến trúc ở Việt Nam. Chuyên đề này bằng cách phối hợp giữa bài giảng và điền dã thực địa nhằm thực hiện mục tiêu cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về lịch sử phát triển và các loại hình chính của kiến trúc cổ truyền, đồng thời thảo luận sâu vào các vấn đề quản lý di sản kiến trúc cổ truyền Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, chuyên đề cũng giới thiệu những lý giải về sự tương thích giữa điều kiện tự nhiên, môi trường và khí hậu với những nhu cầu về thẩm mỹ, tín ngưỡng và đẳng cấp trong nghệ thuật kiến trúc cổ truyền.

Tại chùa Bối Khê, các giảng viên tập trung đi sâu giới thiệu thực tế về các yếu tố cơ bản trong kiến trúc gỗ cổ truyền của người Việt: Môi trường không gian, Bố cục mặt bằng, Gia cố nền móng, Khung gỗ chịu lực, Tường bao che chắn Trang hoàng bộ mái, Vật liệu xây dựng, Kỹ-mỹ thuật điêu khắc trang trí và Triết lý kiến trúc… Đặc biệt, các giảng viên và học viên trao đổi thảo luận sôi nổi về các vấn đề bảo tồn kiến trúc cổ truyền, quản lý di sản kiến trúc và di vật…

Tại quần thể tháp Chămpa với ba tháp gồm tháp cổng, tháp chính và tháp hỏa được phỏng dựng tỷ lệ tương đương với cụm tháp Po Klong Garai ở tỉnh Ninh Thuận, chuyên gia kiến trúc đền tháp Chămpa (TS Nguyễn Hồng Kiên) với nhiều năm kinh nghiệm trung tu đền tháp Chămpa đã giảng giải những mặt được và hạn chế trong công tác phục dựng, đưa vào quảng bá và khai thác du lịch văn hóa loại hình kiến trúc tiêu biểu của nền văn hóa Chămpa rực rỡ ở khu vực miền Trung Việt Nam.

Trong quá trình điền dã, các giảng viên và học viên tập trung đi sâu trao đổi về các nội dung lý luận quản lý di sản kiến trúc, trường phái và kinh nghiệm quản lý, bảo tồn, duy tu, phát huy kiến trúc cổ truyền trên thế giới và ở Việt Nam. Thảo luận về kinh nghiệm và bài học quản lý di sản kiến trúc ở Việt Nam, từ đó giúp học viên có kiến thức toàn cảnh, hệ thống về quản lý di sản kiến trúc Việt Nam truyền thống và đương đại cũng như có được những phương pháp cụ thể trong công tác quản lý.
Đây là hoạt động phối hợp giữa bài giảng, điền dã và thảo luận trong chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý Văn hóa của Khoa Lịch sử. Đồng thời, hoạt động này thể hiện phương châm của Khoa trong việc vận dụng phương pháp giảng dạy chuyên gia. Nghiên cứu thực địa là một nội dung rất quan trọng đối với hoạt động dạy và học trong chương trình Quản lý Văn hóa. Việc đa dạng hóa môi trường học đường là một yêu cầu bức thiết. Nhận thức được điều này, đã từ lâu Khoa Lịch sử đã có chủ trương sử dụng các di tích lịch sử văn hóa như một phần không thể thiếu của giảng đường đại học và sau đại học.
Tin và ảnh: Lacsoncusi