Với mục đích phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục đại học trong khu vực ASEAN, năm 1995, Mạng lưới các trường đại học khu vực Đông Nam Á đã được thành lập. Nhằm đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng bên trong các trường ĐH trong khu vực, AUN đã đưa ra sáng kiến đánh giá chất lượng giáo dục đại học theo những tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của khu vực ASEAN (ASEAN University Network – Quality Assurance, viết tắt là AUN-QA). Bộ tiêu chuẩn này không tập trung vào những đặc trưng riêng của từng chuyên ngành mà tập trung đánh giá những điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo của một chương trình. Bộ tiêu chuẩn tập trung và những lĩnh vực mà bất kỳ chương trình đạo tạo bậc đại học nào cũng có như chuẩn đầu ra; khung chương trình; giảng viên và sinh viên, cơ sở vật chất, công tác đảm bảo chất lượng…
Năm 2019, Khoa Lịch sử tham gia đánh giá chương trình đào tào cử nhân ngành Lịch sử theo bộ tiêu chuẩn AUN. Việc lựa chọn kiểm định theo chuẩn AUN nhằm giúp khoa biết chương trình đào tạo đã đạt đến cấp độ nào trên thang đánh giá của khu vực. Tiếp nữa, để phát hiện chương trình còn tồn tại những gì cần khắc phục nhằm đảm bảo chương trình đạt chất lượng ngang tầm các chương trình cùng lĩnh vực trong khu vực ASEAN. Sau quá trình kiểm định nghiêm túc của Mạng lưới các trường đại học khu vực Đông Nam Á, Chương trình đào tạo cử nhân ngành Lịch sử của Khoa đã được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của AUN – QA (ASEAN University Network – Quality Assurance). Kết quả kiểm định AUN như một sự khẳng định chương trình đào tạo của Khoa với xã hội về chất lượng sản phẩm đầu ra của chương trình.

Việc hướng tới và đạt được tiêu chuẩn AUN không chỉ đem lại lợi ích cho nhà trường, cho Khoa, sinh viên mà cả người sử dụng lao động. Đối với nhà trường và khoa, thông qua hoạt động tự đánh giá và đánh giá ngoài, những điểm mạnh và điểm tồn tại của chương trình đào tạo đã được chỉ ra, và từ đó nhà trường và bộ phận đào tạo ở Khoa có kế hoạch hành động cụ thể để cải tiến khắc phục những tồn tại này. Đồng thời, môi trường dạy và học được cải thiện, nâng cấp và đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, nhờ kiểm định chất lượng theo chuẩn AUN, nhà trường và Khoa xác định được vị thế của chương trình đào tạo trong khu vực và làm cơ sở để xây dựng lộ trình phát triển cho chương trình đào tạo theo hướng vươn tới các chuẩn mực quốc tế.
Sinh viên là đối tượng được hưởng lợi rất lớn từ hoạt động đánh giá AUN, bởi được học tập trong một môi trường được cải tiến liên tục và đảm bảo chất lượng. Được đào tạo từ một môi trường chất lượng quốc tế, sinh viên tiếp cận việc làm phù hợp dễ dàng hơn. Người sử dụng lao động có một cơ sở tin cậy để tìm kiếm nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, từ một chương trình đào tạo có những tham chiếu chất lượng mang tính quốc tế hóa.
Bộ tiêu chuẩn của AUN-QA có 18 tiêu chuẩn với 74 tiêu chí. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 7 mức là: 1 = không có gì (không có tài liệu, kế hoạch, minh chứng ); 2 = chủ đề này của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong mới chỉ nằm trong kế hoạch; 3 = có tài liệu, nhưng không có minh chứng rõ ràng; 4 = có tài liệu và minh chứng; 5 = có minh chứng rõ ràng về hiệu quả trong lĩnh vực xem xét; 6 = chất lượng tốt; 7 = xuất sắc. Mỗi tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn đều có trọng số như nhau, điểm đánh giá của toàn bộ chương trình là điểm trung bình cộng của cả 74 tiêu chí. 4.0 là ngưỡng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của AUN.