• TRANG CHỦ
  • GIỚI THIỆU  
    • Khái quát về Khoa
    • Tổ chức của Khoa
    • Các bộ môn và trung tâm
    • Đội ngũ cán bộ
    • Thư viện hình ảnh
    • Chân dung sử học
  • TIN TỨC  
    • Tin tức Khoa
    • Thông tin sử học
    • Thông tin học bổng
  • ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC  
    • Thông tin đào tạo
    • Thời khóa biểu
    • Chương trình đào tạo
    • Đề cương môn học
    • Thủ tục biểu mẫu
    • Danh sách sinh viên các khóa
  • ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC  
    • Thông tin đào tạo
    • Chương trình đào tạo
    • Đề cương môn học
    • Thủ tục biểu mẫu
    • Danh sách NCS & HVCH
  • NGHIÊN CỨU KHOA HỌC  
    • Giới thiệu sách
    • BÀI NGHIÊN CỨU
    • Nghiên cứu khoa học
  • THƯ VIỆN
Chân dung sử học

Đức nghiệp một người thầy: PGS.TS, NGND Hán Văn Khẩn

27/09/2020

 

PGS.TS, NGND Hán Văn Khẩn sinh ngày 20 tháng 10 năm 1940 tại xã Gia Thanh huyện Phù Ninh tỉnh Phú Thọ, một vùng quê giàu truyền thống văn hóa cách mạng.

 

Năm 1960, thoát ly từ một gia đình nông dân vùng đồi trung du, ước muốn làm nghề “trồng cây” là hành trang quan trọng nhất để Ông bước vào đại học. Tuy nhiên, cái duyên với cổ vật và lòng đam mê học hỏi thời niên thiếu lại đưa Ông đến với nghề “trồng người” và làm khảo cổ. Một cách tự nhiên, nghiệp thân cao quý ấy quện lấy Ông và tạo dựng nhân cách Ông không chỉ bằng nhiều huân danh Đảng và Nhà nước phong tặng, mà còn là tình thầy trò của bao thế hệ sinh viên khắc ghi.

 

Ông là một trong những thế hệ sinh viên chuyên ngành Khảo cổ học đầu tiên (1962-1966) của Khoa Sử thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Khi ấy, các Ông đều được thụ hưởng toàn nguyên cái tinh anh của “thế hệ khai khoa” Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo… được gây mầm và dưỡng dục bởi “tứ trụ” Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng. Lại thêm được đào tạo Tiến sĩ ở Tây, Đại học Tổng hợp Sofia, nước Cộng hòa Bulgaria (1975-1980 và 1984-1986). Ông hội tụ cái tình cảm của truyền thống Việt và có cả cái lý trí của phương Tây. Chính những môi trường học thuật ấy là cơ sở nền tảng quan trọng để mài luyện nên một nhân cách Hán Văn Khẩn sau này.

 

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1966, Ông được giữ lại Trường làm giảng viên Bộ môn Khảo cổ học. Cũng trong năm này, Ông được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó đến khi nghỉ hưu, Nhà giáo Hán Văn Khẩn đã đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau như: Bí thư Đảng ủy Khoa Sử (1981-1982); Phó Chủ nhiệm Khoa Sử (1982-1984 và 1985-1987); Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học (1992-2009); Phó Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam (2008-2013)…

 

Là nhà Khảo cổ học, Ông đã từng đi điền dã và khai quật nhiều di chỉ khảo cổ ở các vùng miền khác nhau của đất nước và quốc tế, từ Bulgaria về Việt Nam, từ Australia đến Nhật Bản… Ông đi từ hệ thống gò đồi bát úp của văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Gò Mun vùng trung châu, qua hệ thống di tích văn hóa Đông Sơn dọc các dòng sông mẹ ở đồng bằng sông Hồng, đến các khu sản xuất gốm sứ vùng Hải Dương, và ra đến các cảng thị Phố Hiến, Vân Đồn, Hội An… dấu chân Ông cũng từng dừng lại ở kinh đô Cổ Loa của An Dương Vương, ở làng hai vua Đường Lâm, cho đến khu kinh đô của nhà Hồ… Nhưng sớm nhất và thâm canh nhiều hơn cả là với văn hóa Phùng Nguyên và di tích Xóm Rền trên vùng đất Tổ quê hương Ông.

 

Với Văn hóa Phùng Nguyên, PGS Hán Văn Khẩn được coi như một trong những người “khai sơn phá thạch, mở lối đắp đường” cho quá trình nghiên cứu giai đoạn văn hóa đầu tiên của thời đại kim khí ở miền Bắc Việt Nam nói riêng và góp phần vào nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương nói chung. Trong những bài viết đăng trên tạp chí Khảo cổ học, Thông báo Khoa học và sách Hùng Vương dựng nước… những năm 1970 và 1980, Ông đã đi sâu phân tích nhiều yếu tố trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên như loại hình hoa văn, thực nghiệm tạo hoa văn, kỹ thuật chế tác, loại hình đồ gốm… trên cơ sở đó, tiến hành phân chia các giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên. Trải suốt 40 năm tiếp sau, Ông tập trung nghiên cứu giai đoạn văn hóa quan trọng ở vào buổi đầu thời kỳ xuất hiện kỹ nghệ luyện kim đồng này. Cuốn sách Văn hóa Phùng Nguyên ra đời dựa trên thành quả nghiên cứu chuyên sâu và lâu dài ấy, trong đó đã xác định những đặc trưng cơ bản và các giai đoạn phát triển chính của văn hóa Phùng Nguyên. Đây là công trình mà bất kỳ một nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Nguyên trong và ngoài nước nào cũng cần tham khảo trước khi phác dựng ý tưởng nghiên cứu của mình.

 

Với Xóm Rền, chỉ cách nhà Ông một quãng đồng trũng – nơi gây nên duyên cớ khảo cổ lúc thiếu thời, Ông là người đầu tiên tham gia khai quật, khai quật nhiều nhất và cũng là người duy nhất cho đến nay tổng kết trọn vẹn về di tích lớn nhất thời đại các vua Hùng này. Trong công trình Xóm Rền – Một di tích khảo cổ đặc biệt quan trọng của thời đại đồ đồng Việt Nam, nhà khảo cổ Hán Văn Khẩn có một cố gắng to lớn khi tổng kết trung thực, sâu sắc và khách quan những thành tựu khai quật và nghiên cứu di tích Xóm Rền, đồng thời đặt nó trong tổng thể diễn trình văn hoá Phùng Nguyên và trút gửi vào đó nhiều luận điểm khoa học mới lạ. Qua đó, làm nổi bật được những đặc trưng quan trọng của một di tích khảo cổ mà nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là đặc biệt quý hiếm trong số hơn 70 di tích văn hoá Phùng Nguyên. Nơi chứng kiến những bước đi tiên phong trong cách mạng luyện kim đồng và mở mang châu thổ sông Hồng để khai sinh một nền văn minh nổi tiếng – Văn minh nông nghiệp trồng lúa nước. Cũng chính Ông chứng minh người Xóm Rền đã đưa các kỹ thuật chế tác đá phát triển đến đỉnh cao và thành thạo kỹ thuật bàn xoay trong làm gốm.

 

Bắt nguồn từ Luận án Tiến sĩ về nghiên cứu đồ gốm thời đại đồng đá ở vùng Đông Bắc Bulgaria, nhà khảo cổ học Hán Văn Khẩn còn luôn mải miết với gốm sứ và lịch sử gốm sứ Việt Nam, từ những loại hình hoa văn và kỹ thuật sản xuất gốm đất nung thời tiền sơ sử đến hệ thống lò gốm sứ thời kỳ lịch sử. Nhiều thế hệ học trò từng chứng kiến cảnh Ông ngồi gắn chắp những mảnh vụn của một đồ gốm hàng ngày trời với sự chú tâm cao độ, để rồi bộc phát niềm vui sướng tột cùng khi nhìn thấy một đồ án hoa văn mới mà Ông chưa từng gặp. Đặc biệt, Ông quan tâm nhiều đến khai quật, nghiên cứu và xác định thành phần gốm sứ của hệ thống lò gốm ở trung tâm gốm sứ Chu Đậu thông qua hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Gốm sứ Đông Nam Á của Đại học Adelaide (Australia) trong những năm 1990. Trên tảng nền đó, Ông cũng đã mở rộng nghiên cứu gốm sứ thương mại và hệ thống cảng sông và cảng biển ven bờ ở miền Bắc Việt Nam. Qua đó có những đóng góp nhất định cho quá trình nghiên cứu gốm sứ và lịch sử gốm sứ Việt Nam.

 

Khảo cổ học biển đảo cũng là vấn đề được PGS.TS Hán Văn Khẩn tiến hành thu thập tư liệu và nghiên cứu từ đầu những năm 1990. Cho đến năm 1993, ông chủ biên cuốn sách Lịch sử các đảo ven biển Việt Nam, thuộc đề tài cấp Nhà nước KT03-12. Nghiên cứu này đã phác thảo toàn bộ quá trình chiếm cư và khai thác của con người thời tiền sơ sử và lịch sử trên các đảo ven biển Việt Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vùng duyên hải Đông Bắc. Và trong những năm gần đây, ý tưởng nghiên cứu này của Ông lại một lần nữa được Bộ môn Khảo cổ học tái khởi động bằng hội thảo Khảo cổ học Biển đảo Việt Nam: Tiềm năng và Triển vọng, để trên tảng nền tư liệu đó đó hình thành môn học Khảo cổ học Biển đảo trong Khoa Lịch sử.

 

Trong năm năm trở lại đây, PGS.TS Hán Văn Khẩn lại dành hết tâm huyết của cuộc đời khảo cổ để cùng đồng nghiệp là PGS.TS Nguyễn Khắc Sử và nhiều nhà khảo cổ học khác xây dựng nội dung tập đầu tiên của bộ Quốc sử 30 tập. Ông cùng đồng nghiệp đã khái quát và nêu bật những nghiên cứu quan trọng của các nhà khảo cổ học Việt Nam và thế giới về thời kỳ nguyên thủy trong lịch sử Việt Nam. Từ những nghiên cứu của các học giả Pháp trong 30 năm đầu thế kỷ XX đến những nghiên cứu của các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nga từ những năm 1960 đến nay. Đặc biệt, công trình này nhấn mạnh vào nguồn tư liệu mới được hình thành qua quá trình điều tra, khai quật và công bố tư liệu từ nhiều công trường khảo cổ lớn trong 15 năm trở lại đây. Qua đó, Ông và đồng nghiệp đã phác dựng một bức tranh toàn cảnh lịch sử Việt Nam thời kỳ nguyên thủy, thể hiện đầy đủ các giai đoạn phát triển trong kỹ thuật chế tác và sử dụng đồ đá, đồ gốm, đồ đồng cũng như các loại hình kinh tế đặc trưng của từng thời kỳ và trong từng khu vực nhất định.

 

Là nhà giáo, Thầy Hán Văn Khẩn luôn tận tụy mà hiền lành, hóm hỉnh mà nghiêm nghị, cống hiến tận tâm và vô tư. Tri thức khoa học là vô bờ, bởi vậy Thầy luôn hướng người học vào con đường học vấn ngay thẳng và đúng mực, để rồi mỗi người trong những thời điểm riêng, có thể đến được một “bến bờ” đạt chuẩn. Thầy luôn dạy học trò “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn” và cũng luôn tự coi đó như là nguyên lý sống cao nhất của đạo thầy/trò. Hình ảnh “thầy giáo già” ở độ tuổi “xưa nay hiếm” vẫn thường đưa cán bộ trẻ đi thực tập khai quật cùng sinh viên là hình ảnh khó phai mờ trong tâm trí nhiều thế hệ sinh viên mỗi khi nghĩ đến Thầy.

 

Tâm và tầm của một người con với quê hương, tình cảm và tri thức của một nhà giáo với các thế hệ học trò, nghĩ trách nhiệm và sống sẻ chia của một nhà khảo cổ với các bạn đồng nghiệp đã cùng Ông đi về hơn 50 năm qua, hoà trộn và thăng hoa để chung đúc thành các công trình: Văn hóa Phùng Nguyên, Cơ sở Khảo cổ học, Xóm Rền – Một di tích khảo cổ đặc biệt quan trọng của thời đại đồ đồng Việt Nam… và hàng trăm công trình nghiên cứu khác đã công bố.

 

Những cống hiến của Ông đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, phong tặng các huân danh cao quý: Phó Giáo sư Sử học (1991), Nhà giáo Ưu tú (1997), Nhà giáo Nhân dân (2008), Huy chương Kháng chiến Hạng Nhất (1985), Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục (1995), Huân chương Lao động Hạng Ba (2001), Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng (2020) và nhiều bằng khen, giấy khen khác. Tài năng và nhân cách đã tạo dựng danh tiếng Ông trong giới khảo cổ học và sử học Việt Nam, Ông trở thành tấm gương và niềm mơ ước về đức nghiệp của một nhà giáo đối với nhiều bạn đồng nghiệp và các thế hệ học trò.

 

PGS.TS, NGND Hán Văn Khẩn luôn dành tình yêu thương vô bờ bến đối với gia đình. Hẳn là bà Hán Thị Khuyên và các con Ông sẽ không bao giờ quên hình ảnh mỗi khi ông đạp xe từ Hà Nội về thăm nhà dưới bom đạn của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt. Mà quà về với vợ con chỉ đơn thuần là những món hàng nhỏ Ông đã đứng từng giờ đồng hồ mới mua được từ cửa hàng bách hóa, khi thì một cân đường ngọt ngào như tình thương của người cha dành cho con, khi thì tấm vải trắng mềm tựa tình cảm của người chồng về với vợ… Nhiều thế hệ sinh viên mỗi tháng 12 về, tập trung tại ký túc xã Mễ Trì để đi thực tập khảo cổ học, đều thấy hình ảnh cô mang theo một va ly đầy ắp ân tình đưa chân Thầy ra tận cửa xe ô tô. Cho đến tận khi tuổi cao sức yếu và bận rộn với nhiều công việc khoa học, Ông luôn dành nhiều thời gian bên vợ và các con cháu.

 

Bước sang đầu năm 2020 nhiều biến động khôn lường, Ông đột ngột lâm trọng bệnh. Mặc dù đã được gia đình, học trò, đồng nghiệp hết lòng chăm sóc và các y bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng do tuổi cao bệnh nặng, Ông đã hoàn thành tâm nguyện được dành hơi thở cuối cùng tại quê nhà vào hồi 4 giờ 20 phút ngày 4 tháng 5 năm 2020 (tức ngày 12 tháng 4 năm Canh Tý), hưởng thọ 81 tuổi.

 

Dưới nắng gắt đầu hè oi ả, biết bao thế hệ học trò, đồng nghiệp, gia đình họ tộc và người dân xã Gia Thanh hội tụ về Xóm Rền để đưa tiễn Ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Ngôi mộ nhỏ đơn sơ trên một gò đất cao nằm giữa làng Ông và di tích Xóm Rền, bao quanh là cánh đồng ngô ngút ngàn cùng các ruộng lúa trũng… Một cảnh đẹp tự nhiên và mộc mạc như chính cuộc đời và nhân cách PGS.TS, NGND Hán Văn Khẩn. Cầu mong anh linh Ông được hoan hỷ vân du miền cực lạc.

 

Xin tưởng nhớ Đức nghiệp Thầy tấm lòng kính ngưỡng của học trò,

Hương tâm quện đất lành,

Sắc gốm hòa tinh anh.

Nhân tình riu riu thấu,

Trung đạo hướng thượng thanh.

 

Hà Nội, 2020V05

Học trò,

Đặng Hồng Sơn

    BÀI VIẾT LIÊN QUAN
  • GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc được tặng Danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020.

  • Nhà khoa học say mê gốm cổ                    

  • Một Người Thầy lớn đã đi xa                               

  • Vĩnh biệt thầy Nguyễn Văn Hồng – kẻ sĩ cốt cách, một đời tài hoa

  • Phó Giáo sư Nguyễn Thừa Hỷ đoạt giải thưởng Bùi Xuân Phái

  • Về khối tài liệu của giáo sư Phan Đại Doãn hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III

  • Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Đại Doãn

  • Bài phát biểu của PGS.TS Vũ Văn Quân tại Lễ tưởng niệm 50 năm ngày mất và giới thiệu công trình sử học của Nhà giáo Đặng Huy Vận

 
 
 
  
  • Lẽ kỉ niệm 60 năm
  • Hoạt động Đoàn - Hội
  • Cựu sinh viên


TIN BÀI MỚI
  • Giới thiệu triển lãm: “Phỏng dựng kiến trúc Chùa Một Cột thời Lý: từ tư liệu bi ký – khảo cổ đến công nghệ thực tế ảo”
  • Thông báo hỗ trợ đào tạo khoa học cơ bản dành cho sinh viên
  • Học bổng thực tập ở Viện Nghiên cứu Châu Á (ARI) của Đại học Quốc gia Singapore (NUS)
  • Mời tham dự thuyết trình về Lịch sử Việt Nam Cận đại, diễn giả Melody Shum
  • Thông báo danh sách sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh nhận Giải thưởng sử học Đinh Xuân Lâm
  • Mời tham gia khoá đào tạo phương pháp viết sử đa ngành của EFEO
  • Học viên cao học Ngành Quản lý Văn hóa đạt Giải Nhất cuộc thi viết “Ý tưởng sáng tạo vì Thủ đô anh hùng, thành phố hòa bình”
  • Khảo cổ học – Khoa học về thời kỳ cổ xưa
  • Ngành Văn hóa học, Đi-học/hỏi – Hiểu về văn hóa
  • Ngành Lịch sử USSH – Những câu hỏi thường gặp

CHUYÊN MỤC CHÍNH:

  • Tin tức Khoa
  • Giới thiệu sách
  • Thông tin sử học
  • Bài nghiên cứu
  • Học bổng
  • Thư viện
  • Nghiên cứu KH
  • Chân dung sử học

KHOA LỊCH SỬ

  • Địa chỉ: Tầng 3 nhà B Trường ĐHKHXH&NV
                       Số 336 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội
  • Điện thoại: 04.35589847 / 04.38585284
  • Email: khoalichsuhanoi@gmail.com
  • Website: http://khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn/

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người Online : 0

Tổng lượt truy câp :