• TRANG CHỦ
  • GIỚI THIỆU  
    • Khái quát về Khoa
    • Tổ chức của Khoa
    • Các bộ môn và trung tâm
    • Đội ngũ cán bộ
    • Thư viện hình ảnh
    • Chân dung sử học
  • TIN TỨC  
    • Tin tức Khoa
    • Thông tin sử học
    • Thông tin học bổng
  • ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC  
    • Thông tin đào tạo
    • Thời khóa biểu
    • Chương trình đào tạo
    • Đề cương môn học
    • Thủ tục biểu mẫu
    • Danh sách sinh viên các khóa
  • ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC  
    • Thông tin đào tạo
    • Chương trình đào tạo
    • Đề cương môn học
    • Thủ tục biểu mẫu
    • Danh sách NCS & HVCH
  • NGHIÊN CỨU KHOA HỌC  
    • Giới thiệu sách
    • BÀI NGHIÊN CỨU
    • Nghiên cứu khoa học
  • THƯ VIỆN
Chân dung sử học

Tưởng nhớ nhà giáo, nhà sử học Đặng Huy Vận

23/02/2019

 

Trong không khí trang nghiêm và xúc động hôm nay, cho phép tôi được phát biểu đôi điều cảm nghĩ về thầy Đặng Huy Vận – người thầy giáo mẫu mực, nhà nghiên cứu nghiêm cẩn và người bạn lớn tuổi thân tình của nhiều anh em cán bộ khoa Sử Đại học Tổng hợp chúng tôi.

 

Tôi tốt nghiệp năm 1959, được ở lại trường làm cán bộ giảng dạy cùng với nhiều thầy cô khác. Khoa Sử hồi đó, ngoài các thầy cao tuổi như GS. Đào Duy Anh, GS. Trần Văn Giàu và tổ phiên dịch gồm các cụ giỏi chữ Hán, còn hầu hết là cán bộ trẻ. Tính ra vào năm 1960, thầy Đinh Xuân Lâm, thầy Vương Hoàng Tuyên, thầy Đặng Huy Vận đang ở độ tuổi 30-35: thầy Phan Huy Lê, thầy Trần Quốc Vượng tuổi 26, thầy Hà Văn Tấn cùng các cán bộ mới được giữ lại trường như thầy Trịnh Nhu, cô Phạm Thị Tâm và tôi đều ở tuổi 23. Các thầy Chương Thâu, Lê Mậu Hãn, Phan Đại Doãn, Hoàng Bá Sách, Hồ Sỹ Khoách … tuổi hơn chúng tôi một chút. Điểm qua như vậy để thấy trong những năm đầu hoạt động, giảng viên khoa Sử còn rất trẻ nhưng về Lịch sử Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của các bậc trưởng lão, các thầy đã ra được nhiều công trình sử học có giá trị, trong đó có sự tham gia và đóng góp quan trọng của thầy Đặng Huy Vận.

 

Ngoài hai cuốn Lịch sử cận đại Việt Nam tập II và tập III mà Thầy Vận tham gia viết và được sử dụng như giáo trình chính trong một thời gian dài, nhiều bài viết của Thầy tập trung vào các cuộc khởi nghĩa chống Pháp như Ba Đình, Hùng Lĩnh, Bãi Sậy và phong trào chống Pháp ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Thầy chú ý đi sâu sưu tầm tài liệu và phân tích một số nhân vật lịch sử như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Thanh Giản, Trần Tấn và Đặng Như Mai, Đốc Ngữ, Tạ Hiện, Lã Xuân Oai, Tống Duy Tân, Hà Văn Mao và Cầm Bá Thước cùng nhiều vị khác. Đặc biệt cuốn sách về đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ (viết cùng Chương Thâu – 1961) là cuốn chuyên khảo ra mắt khá sớm, nêu lên những vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và bàn luận trong nhiều bài đăng ở các số tạp chí sau đó.

 

GS Vũ Dương Ninh tại Lễ kỉ niệm 50 năm ngày mất và giới thiệu công trình sử học của Nhà giáo Đặng Huy Vận

 

Khi còn là sinh viên, tôi rất thích phần Lịch sử Cận đại Việt Nam nhưng khi ra công tác lại được phân công vào bộ môn Lịch sử thế giới. Tôi xin chọn phần cận đại thế giới để có thể vẫn tiếp tục gắn với cận đại Việt Nam, nhờ đó được có dịp học hỏi thầy Lâm, thầy Vận, gắn kết những vấn đề liên quan giữa lịch sử thế giới với Việt Nam trong giảng dạy và nghiên cứu.

 

Tôi có may mắn được gần thầy Vận trong 10 năm trời (1959 – 1969) khi cùng sống trong khu tập thể của Trường ở Láng, ở Mễ Trì và sau đó là nơi sơ tán Vạn Thọ. Trong công việc, Thầy làm việc hết sức nghiêm túc. Rất vui vẻ chuyện trò với anh em nhưng khi đã vào bàn làm việc thì rất tập trung, ngồi liền hàng giờ. Cùng các tác giả khác, với vốn tiếng Pháp thông thạo và chữ Nho phong phú, Thầy đã khai thác nhiều tài liệu từ các bộ sách đồ sộ của Pháp để lại đến những cuốn sử chữ Hán khi đó chưa được dịch bao nhiêu. Và những chuyến đi thực địa, lấy tài liệu từ địa phương đã làm phong phú nguồn sử liệu, qua đó nâng cao chất lượng nghiên cứu. Nhiều bài viết của Thày có nội dung trao đổi quan điểm, xác minh tài liệu, đặt lại vấn đề và phân tích từ nhiều khía cạnh nên được bạn đọc chú ý.

 

Tôi nhớ vào đầu những năm 60, mặc dầu đội ngũ cán bộ sử học chưa đông nhưng không khí tranh luận học thuật khá sôi nổi, các vấn đề đặt ra về chế độ nô lệ, về phương thức sản xuát châu Á, về xu hướng cách mạng hay cải lương, về phương pháp đấu tranh bạo lực hay hòa bình… rất sôi nổi, thu hút sự thaỏ luận của nhiều nhà nghiên cứu từ trường ta, từ Viện Sử và nhiều nơi khác. Các nhà nghiên cứu lão thành như Nguyễn Khánh Toàn, Trần Huy Liệu, Phạm Huy Thông, Tôn Quang Phiệt, Minh Tranh và nhiều vị khác đã tham gia và rất khuyến khích những cuộc trao đổi học thuật như thế. Tôi nhớ có lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến nghe trực tiếp cuộc thảo luận về chế độ nô lệ tổ chức ở trụ sở 39 Trần Hưng Đạo. Tiếc rằng trong nhiều năm vừa qua, những cuộc hội thảo thì nhiều nhưng thảo luận thực sự khoa học thì hiếm.  Đây đó cũng nổi lên một vài vấn đề khá sôi nổi nhưng tiếc rằng nội dung không thực sự khoa học và lời lẽ không phù hợp với môi trường học thuật.

 

Tôi nhắc đến điều này vì trong 2 đêm vừa qua, sau khi nhận được cuốn sách tuyển chọn các công trình, bài viết của thầy Đặng Huy Vận, tôi tranh thủ đọc, dù là lướt qua và dừng lại ở một số vấn đề hồi đó được trao đổi nhiều. Với những dẫn chứng bằng tài liệu mới thu thập, với lập luận chặt chẽ và lời lẽ ôn tồn, thầy Đặng Huy Vận đã trình bày quan điểm của mình một cách rõ ràng, lô gich trên tinh thần tôn trọng và thuyết phục người đối thoại. Phải chăng, nhớ đến Thầy, chúng ta nên nhắc nhau về tấm gương của nhà khoa học chân chính biết hành xử đúng đắn trong các cuộc tranh luận khoa học. Tôi nghĩ rằng đó là bài học có ý nghĩa rất thiết thực cho giới nghiên cứu chúng ta ngày nay.

 

Cũng về vấn đề này, tôi có một kỷ niệm rất riêng tư với Thầy Đặng Huy Vận. Bài giảng đầu tiên của tôi  ở giảng đường Đại học Tổng hợp là bài Minh Trị Duy tân. Giáo sư Phạm Huy Thông và thầy Lê Văn Sáu ĐHSPHN đã đọc duyệt và góp thêm nhiều ý kiến quan trọng. Buổi giảng thành công, tôi phấn khởi nhưng vẫn mang nặng một câu hỏi. Nhân một buổi chiều vắng vẻ chỉ có hai người, nhắc đến chuyện lịch sử, tôi mạnh dạn hỏi thầy Vận: Thời cận đại, các cuộc đấu tranh vũ trang của ta rất anh dũng nhưng đều thất bại, thiệt hại nhiều. Người Nhật không đổ máu nhưng lại thành công, vậy nên giải thích như thế nào? Thầy Vận giảng giải rồi cùng tôi bàn luận nhiều khía cạnh và thống nhất ý kiến: Dẫu sao cũng phải so sánh hai sự kiện này trong hoàn cảnh của hai nước. Đó chính là điều mà trong nhiều lớp học, tôi thường nêu ra để sinh viên thảo luận và tham khảo những bài viết của Thầy về điều trần của Nguyễn Trường Tộ cùng nhiều nhà duy tân khác ở Việt Nam. Bây giờ, đã có nhiều sách, nhiều bài viết bàn về Nguyễn Trường Tộ với nhiều tư liệu và bình giải khác nhau, thậm chí trái ngược nhau song cuốn sách của Đặng Huy Vận – Chương Thâu vẫn là công trình nghiên cứu rất sớm, khơi nguồn cho cuộc tranh luận ở trong nước và nước ngoài. Giá trị cuốn sách một phần được thể hiện trong tuổi thọ của nó và sự quan tâm của giới học giả thì cuốn sách này chính là như vậy.

 

Cuối cùng, trong tôi vẫn giữ mãi hình ảnh thầy Đặng Huy Vận, người hơi đậm, nước da ngăm ngăm, có đôi mắt sáng, đặc biệt là nụ cười tươi, rất dễ gần. Giữa Thày với anh em, mặc dầu có độ chênh về tuổi nhưng không có khoảng cách trong giao tiếp. Thầy vui vẻ, hòa đồng với anh em, tham gia  nhiều buổi tán chuyện vui của cánh trẻ chúng tôi. Điều làm cho tôi kính mến và học tập ở Thầy chính là tinh thàn say mê, miệt mài nghiên cứu.

 

Có một câu nói của Thầy mà tôi cứ nhớ mãi. Hồi đó, điều kiện sống đã bắt đầu khó khăn, bữa ăn ở bếp tập thể ngày càng đạm bạc. Thỉnh thoảng được một bữa ăn tươi, hoặc do nhà bếp tổ chức vào dịp gì đó, hoặc anh em mua được ở mậu dịch loại thực phẩm không cần tem phiếu, mang về hì hụi nấu ăn với nhau một bữa xênh xang hơn ngày thường, lại có tí bia hơi nên hào hứng sôi nổi lắm. Cuối bữa, thầy Vận bảo: Thế là tối nay mình sẽ thức được đến 12 giờ đêm. Sáng hôm sau, tôi hỏi đùa: Đêm qua anh thức đến mấy giờ? Thầy khoe: đến gần 1 giờ sáng, mình viết xong một bài báo! Một câu nói rất hồn nhiên, một nụ cười rất sảng khoái.

Đó chính là thầy Đặng Huy Vân  kính yêu, thân thiết của chúng ta – người thầy giáo mẫu mực, nhà nghiên cứu nghiêm cẩn và người bạn lớn tuổi thân tình của nhiều anh em cán bộ khoa Sử Đại học Tổng hợp chúng ta.

Hà Nội ngày 22 tháng 2 năm 2019

Vũ Dương Ninh

 

         Bài viết của GS Vũ Dương Ninh nhân Lễ tưởng niệm 50 năm ngày mất và giới thiệu công trình sử học của Nhà giáo Đặng Huy Vận do Trường ĐHKHXHNV – ĐHQGHN tổ chức (22/2/1969 – 22/2/2019).

    BÀI VIẾT LIÊN QUAN
  • GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc được tặng Danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020.

  • Đức nghiệp một người thầy: PGS.TS, NGND Hán Văn Khẩn

  • Nhà khoa học say mê gốm cổ                    

  • Một Người Thầy lớn đã đi xa                               

  • Vĩnh biệt thầy Nguyễn Văn Hồng – kẻ sĩ cốt cách, một đời tài hoa

  • Phó Giáo sư Nguyễn Thừa Hỷ đoạt giải thưởng Bùi Xuân Phái

  • Về khối tài liệu của giáo sư Phan Đại Doãn hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III

  • Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Đại Doãn

 
 
 
  
  • Lẽ kỉ niệm 60 năm
  • Hoạt động Đoàn - Hội
  • Cựu sinh viên


TIN BÀI MỚI
  • ĐHQGHN sẽ công bố bài thi mẫu kỳ thi ĐGNL trước 15/3
  • Triển khai dạy – học trực tuyến học kì II, năm học 2020-2021
  • Giới thiệu triển lãm: “Phỏng dựng kiến trúc Chùa Một Cột thời Lý: từ tư liệu bi ký – khảo cổ đến công nghệ thực tế ảo”
  • Thông báo hỗ trợ đào tạo khoa học cơ bản dành cho sinh viên
  • Học bổng thực tập ở Viện Nghiên cứu Châu Á (ARI) của Đại học Quốc gia Singapore (NUS)
  • Mời tham dự thuyết trình về Lịch sử Việt Nam Cận đại, diễn giả Melody Shum
  • Thông báo danh sách sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh nhận Giải thưởng sử học Đinh Xuân Lâm
  • Mời tham gia khoá đào tạo phương pháp viết sử đa ngành của EFEO
  • Học viên cao học Ngành Quản lý Văn hóa đạt Giải Nhất cuộc thi viết “Ý tưởng sáng tạo vì Thủ đô anh hùng, thành phố hòa bình”
  • Khảo cổ học – Khoa học về thời kỳ cổ xưa

CHUYÊN MỤC CHÍNH:

  • Tin tức Khoa
  • Giới thiệu sách
  • Thông tin sử học
  • Bài nghiên cứu
  • Học bổng
  • Thư viện
  • Nghiên cứu KH
  • Chân dung sử học

KHOA LỊCH SỬ

  • Địa chỉ: Tầng 3 nhà B Trường ĐHKHXH&NV
                       Số 336 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội
  • Điện thoại: 04.35589847 / 04.38585284
  • Email: khoalichsuhanoi@gmail.com
  • Website: http://khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn/

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người Online : 0

Tổng lượt truy câp :